Những năm chiến tranh thế giới thứ 2, Đức quốc xã đã xây dựng một lực lượng không quân chiến thuật hùng mạnh. Không quân Đức hoàn toàn chiếm ưu thế áp đảo từ mặt trận phía Tây đến mặt trận phía Đông. Tuy nhiên, sự thống trị bầu trời của Không quân Đức tồn tại không lâu. Sau thất bại tại trận vòng cung Krusk, Không quân Đức dần mất ưu thế.
Ưu thế Không quân Đức giảm dần là do sự lớn mạnh của lực lượng Đồng minh, song trong đó có một phần từ sai lầm của Đức. Không quân Đức đã bỏ qua vai trò của lực lượng máy bay ném bom chiến lược. Kết quả là họ phải chịu những tổn thất nặng nề bởi các trận oanh kích của không quân Đồng minh bằng máy bay ném bom chiến lược vào sâu bên trong các căn cứ quân sự.
Không quân Đức không thể tung ra các đòn tấn công vào sâu bên trong căn cứ địa của đối phương nên họ không thể ngăn chặn được các chiến dịch phản công của lực lượng Đồng minh. Nếu Đức quốc xã theo đuổi dự án máy bay ném bom hạng nặng Ural chiến tranh thế giới thứ 2 có thể đã diễn biến theo chiều hướng khác.
Dự án máy bay ném bom chết yểu theo người sáng lập
Theo Historyofwar.org, mùa hè năm 1935, tướng Walther Wever, Tham mưu trưởng Không quân Đức đã yêu cầu hai nhà sản xuất Junker và Dornier đề xuất bản thiết kế máy bay ném bom hạng nặng. Tướng Wever đã nêu ra 5 điểm then chốt của không quân chiến lược, đặc biệt ông nhấn mạnh đến vai trò ném bom vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng làm tê liệt nguồn cung vũ khí cho quân đội đối phương.
Theo yêu cầu của tướng Wever, mẫu máy bay ném bom hạng nặng phải có khả năng mang theo 2,5 tấn bom có thể tấn công các mục tiêu ở vùng Ural, Nga hoặc Scotland nên được gọi là Dự án máy bay ném bom Ural. Công ty Junker giới thiệu mẫu Ju-89, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1936. Ju-89 có khả năng mang theo 1,6 tấn bom trong khoang chứa bên trong thân. Người ta trang bị cho nó 4 động cơ cánh quạt Jumo-211A 12 xy lanh công suất 960 mã lực/chiếc.
Ju-89 được điều khiển bởi phi hành đoàn 9 người gồm 2 phi công, nhân viên tổng đài, kỹ sư máy bay, pháo thủ và 5 người điều khiển các súng máy phòng thủ. Junker đã sản xuất 2 nguyên mẫu Ju-89 V1/V2 sẵn sàng đưa vào thử nghiệm.
Trong khi đó, nhà sản xuất Dornier giới thiệu mẫu máy bay ném bom hạng nặng Do 19. Nó có thiết kế tương tự mẫu máy bay ném bom tầm trung AW38 Whitley của Anh nhưng có sải cánh dài hơn, thân máy bay lớn hơn. Do 19 sử dụng 4 động cơ Bramo 322 H2 công suất 950 mã lực/chiếc.
Dornier Do 19 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/1936, màn trình diễn của nó khá thất vọng, máy bay có tốc độ quá chậm và chỉ có khả năng mang theo 1,6 tấn bom. Do 19 chỉ có tầm bay ở mức trung bình, không đạt yêu cầu tầm xa như chương trình đề ra.
Mặc dù cả Ju-89 và Do 19 vẫn chưa đạt yêu cầu về tầm bay, tải trọng vũ khí so với yêu cầu của tướng Wever, song chúng đã đặt nền móng cơ bản cho lực lượng không quân chiến lược của Đức trong tương lai.
Mặc dù cả Ju-89 và Do 19 vẫn chưa đạt yêu cầu về tầm bay, tải trọng vũ khí so với yêu cầu của tướng Wever, song chúng đã đặt nền móng cơ bản cho lực lượng không quân chiến lược của Đức trong tương lai.
Ngày 3/6/1936, tướng Wever qua đời trong một vụ tai nạn máy bay, tướng Albert Kesselring tiếp quản vị trí Tham mưu trưởng Không quân Đức. Theo tài liệu phân tích về Kesselring đăng trên Allworldwars.com, ông không nhìn thấy vai trò nổi bật nào của máy bay ném bom chiến lược. Ông cùng với các chiến lược gia quân sự Ernst Udet và Erhard Milch thuyết phục Thống chế Hermann Göring, Tư lệnh Không quân Đức, rằng, máy bay ném bom chiến lược quá tốn kém và không hiệu quả.
Kesselring lập luận rằng, các máy bay chiến thuật nhanh nhẹn sẽ hiệu quả hơn so với các máy bay ném bom hạng nặng chậm chạp. Theo lời khuyên của Kesselring, Thống chế Göring cho ngưng toàn bộ dự án máy bay ném bom Ural trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu. Không quân Đức tập trung vào phát triển các máy bay chiến thuật, các máy bay ném bom bổ nhào hai động cơ.
Theo một tài liệu đăng tải trên Humanities360, hai năm sau cái chết của tướng Wever, Bộ hàng không Đức đề xuất dự án máy bay ném bom hạng nặng Amerika. Dự án này đề xuất phát triển một mẫu máy bay ném bom có khả năng mang theo 4,5 tấn bom tấn công các mục tiêu tiếp giáp gần nước Mỹ.
Có 4 mẫu thử nghiệm đã tham gia chương trình gồm: Focke-Wulf Fw 300, Focke-Wulf Ta 400, Heinkel He 277, Junkers Ju 390 và Messerschmitt Me 264. Tuy nhiên, dự án này không thể triển khai vì những lý do không rõ ràng. Sau đó, Bộ Hàng không Đức đã chỉ định mẫu Heinkel He 177 làm máy bay ném bom tầm xa của Đức. Tướng Albert Kesselring tiếp tục phạm một sai lầm nghiêm trọng khi chuyển đổi vai trò He 177 thành máy bay ném bom bổ nhào.
Trong khi đó, Mỹ và Liên Xô đã âm thầm phát triển các máy bay ném bom hạng nặng tầm xa. Những máy bay này đã giáng cho Đức những thiệt hại vô cùng to lớn, hàng loạt căn cứ quân sự, kho tàng, cơ sở sản xuất bị đánh phá ác liệt khiến quá trình sản xuất gần như bị tê liệt.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, Thống chế Göring cũng như các nhà hoạch định chiến lược quân sự Đức mới cảm thấy thấm thía vai trò của không quân chiến lược. Göring than vãn về việc thiếu lực lượng ném bom hạng nặng và nguyền rủa những người đã thuyết phục ông ta rằng, những máy bay chiến thuật vượt trội hơn so với các máy bay ném bom hạng nặng.
Thống chế Göring nói một cách tuyệt vọng: “Vâng, những máy bay ném bom hạng nặng kém cỏi của phía bên kia đang làm một công việc tuyệt vời là phá hoại nước Đức từ đầu đến cuối”. Khi Đức nhận thức rõ vai trò của không quân chiến lược thì đã quá muộn để có thể khởi động lại các dự án bị hủy bỏ trước đó.
nguồn: tintuc.vn
0 nhận xét:
Post a Comment