Người Đức thường được gắn liền với hình ảnh các cỗ xe tăng. Trên thực tế, tuy không phải là nước đầu tiên chế ra xe tăng nhưng Đức lại rất coi trọng xe tăng, chú trọng phát triển xe tăng và đã xây dựng nhiều học thuyết tác chiến dựa trên sức mạnh đột kích của loại vũ khí này.
Xe tăng Panzer của Đức trong trận chiến vòng cung Kursk 1943. Ảnh: Globeatwar |
Bài viết dưới đây tập trung giới thiệu các hướng dẫn tác chiến của quân đội phát xít Đức dành cho các đơn vị xe tăng Panzer cấp đại đội của chúng. Bài viết xuất hiện trong ấn phẩm “Xu hướng Chiến thuật và Kỹ thuật” số ra ngày 3/6/1943 khi Thế chiến 2 đang trong giai đoạn khốc liệt. Ấn phẩm này do bộ phận Quân báo trực thuộc Bộ Chiến tranh Mỹ (một trong các tiền thân của Bộ Quốc phòng Mỹ sau này) xuất bản trong thời kỳ từ tháng 6/1942 đến tháng 6/1945.
1. Chiến thuật cá nhân từng xe
Vì yếu tố đạn dược mang theo xe là có hạn, nên súng và pháo thường được bắn khi xe tăng ngừng lăn bánh nhằm tránh lãng phí. Súng máy gắn trên tháp pháo và thân xe sẽ dùng hiệu quả cả ở tầm bắn 732m nếu hướng nòng súng vào các mục tiêu tập trung như đội hình hàng dọc, lực lượng dự bị hay các cỗ pháo có đầu kéo, v.v.
Ngay khi một mục tiêu nào đó bị loại khỏi vòng chiến đấu, hoặc khi bộ binh tấn công của Đức vẫn còn quá gần các mục tiêu đến mức nếu xe tăng khai hỏa thì sẽ không an toàn cho họ, xe tăng Đức sẽ tiếp tục tiến lên phía trước trong phạm vi ít nhất 183-274m. Khi thay đổi vị trí, lái xe phải thận trọng bảo đảm giữ đúng vị trí của xe trong đội hình chiến thuật.
Các xe tăng riêng lẻ có thể được sử dụng để hỗ trợ việc dứt điểm các ổ đề kháng mạnh. Xe tăng khi ấy sẽ di chuyển từ một bên sườn dưới sự che chắn của khói. Các lỗ châu mai sẽ được dập tắt bằng đạn pháo xuyên giáp. Trong quá trình tác chiến, cần thiết phải dùng loại đạn tạo khói. Bình thường xe tăng sẽ tác xạ từ các vị trí được bảo vệ và ở cự ly tối đa 366m. (1)
Các biệt đội tấn công sẽ đi trước dọn đường. Chỉ khi nào hệ thống hỏa lực chống tăng của đối phương đã bị loại sạch khỏi các làn đường thì xe tăng sẽ tiến lên và tấn công mục tiêu kế tiếp. Hợp tác chặt chẽ giữa chỉ huy xe tăng và chỉ huy biệt đội tấn công dọn đường đóng vai trò rất quan trọng. Tín hiệu ánh sáng và các tín hiệu khác đều phải được thống nhất trước. Các xe tăng riêng lẻ có thể dùng để chiến đấu trong rừng hoặc để bảo vệ các khu vực nghỉ ngơi hoặc tập kết. (2)
2. Chiến thuật trung đội
Trong cuộc tấn công, các trung đội xe tăng hạng vừa sẽ tiến lên hỗ trợ cho lớp tấn công thứ 1. Một nửa trung đội bắn yểm trợ trong lúc nửa kia tiến về phía trước. Toàn bộ trung đội hiếm khi di chuyển cùng một lúc.
Chỉ huy trung đội sẽ chỉ đạo bằng vô tuyến điện. Ông ta có thể kiểm soát hỏa lực đơn vị thông qua điện đài hoặc bằng cách bắn những phát pháo có tính chất hướng dẫn vào các mục tiêu cụ thể.
Một lính Mỹ lại gần chiếc xe tăng Đức bốc cháy ở Tunisia năm 1943. Ảnh: Reddit. |
Bình thường xe tăng sẽ chỉ bắn phá các vũ khí chống tăng khi dừng bánh. Nếu trung đội xe tăng hạng nhẹ có thể vô hiệu hóa được vũ khí chống tăng ở cự ly gần nhất thì trung đội xe tăng hạng vừa sẽ giao tranh với các hỏa điểm chống tăng ở cự ly xa. Pháo binh đối phương cũng sẽ bị bắn phá tương tự như vũ khí chống tăng. Đặc biệt khuyến khích tác xạ theo chiều sâu đội hình của đối phương, để với số lượng đạn ít vẫn gây thiệt hại lớn cho đối phương.
Nếu xe tăng hạng nhẹ của đồng đội gặp phải xe tăng đối phương ở địa hình trống trải, thì trung đội tăng hạng vừa sẽ lập tức lao vào bắn đạn khói tạo điều kiện cho đồng đội rút lui và quay sang tấn công đối phương từ bên sườn.
Sẽ sử dụng súng máy hoặc bánh xích để “xử lý” các mục tiêu di động và các vũ khí hạng nhẹ. Tấn công các mục tiêu lớn bằng loại đạn có sức công phá lớn.
Đối với các vị trí phòng thủ chắc chắn, quy trình hành động sẽ giống như ở đoạn (1) và (2). Khi toàn bộ trung đội được huy động, đơn vị sẽ dựa vào việc bắn yểm hộ lẫn nhau và sử dụng đạn khói để tiến lên. Khi chiếm được vị trí phòng ngự của đối phương, trung đội sẽ dùng đạn khói và hỏa lực để củng cố vị trí này. Trung đội chỉ tiến lên tiếp chừng nào đã dập tắt được các hỏa điểm tại vị trí phòng ngự kỹ càng của đối phương.
Trong giao chiến trên đường phố, một trung đội tăng hạng vừa có thể triển khai theo đội hình bậc thang thứ 2 nhằm hỗ trợ cho đội 1. Có thể dùng pháo và súng máy của xe tăng để nhổ sạch các ổ đề kháng trong các ngôi nhà trên phố. Riêng đối với các ngôi nhà không kiên cố, có thể dùng xe tăng húc đổ và chà xát.
Trong trường hợp một đội hình xe tăng tuyến đầu nhận được lệnh giữ một mục tiêu nào đó chờ đến khi bộ binh tới thì công tác bảo vệ này sẽ được trao cho trung đội tăng hạng vừa. Khi ấy trung đội tăng sẽ chiếm lĩnh các vị trí trên cao có tầm bắn rộng.
3. Chiến thuật đại đội
Khi các trung đội xe tăng hạng vừa được gắn vào đội hình các đại đội xe tăng hạng nhẹ, các xe tăng này sẽ cùng sử dụng tần số vô tuyến điện của đại đội xe tăng hạng nhẹ chứ không phải tần số riêng của đại đội xe tăng hạng vừa.
Các kíp lái xe dự bị ngay lập tức bám sau đội hình bậc thang chiến đấu và chỉ lui về tuyến sau sau khi giao chiến bắt đầu. Các xe dự bị này lại tiến lên tiếp khi trận đánh kết thúc. Đảm bảo lái xe đều đã được luân phiên nghỉ ngơi trước khi rời khỏi vị trí tập kết.
Bộ phận sửa chữa do một hạ sĩ quan chỉ huy. Bộ phận này sẽ đi cùng đội hình bậc thang của đại đội cho tới thời điểm bắt đầu trận đánh.
Xe của chỉ huy đại đội đi đầu đại đội cho tới khi tất cả các trung đội dẫn đầu đã lâm trận. Khi đó người chỉ huy có thể chỉ đạo binh sĩ từ một chốt chỉ huy tạm thời có thể quan sát toàn bộ khu vực diễn ra trận đánh. Khi người chỉ huy ở tuyến đầu của đại đội, trách nhiệm của nhân viên sở chỉ huy đại đội là duy trì sự chỉ đạo và liên lạc.
Trong cuộc tấn công, thông thường đội hình sẽ là hình nêm (với mũi nhọn hướng về phía trước, một trung đội bên cánh phải, một trung đội bên cánh trái và một trung đội ở gốc của hình nêm này), hoặc là dàn hàng ngang với các khoảng rộng xen kẽ lớn. Toàn bộ đại đội sẽ có hỏa lực hiệu quả nếu tuyến sau bắn pháo cầu vồng về phía trước hoặc dàn hàng mở rộng hai cánh của tuyến 1.
Trong trường hợp xe tăng hai bên đấu trực tiếp với nhau, thì toàn bộ lực lượng của đại đội phải được triển khai nếu có thể. Khi xe tăng đối phương xuất hiện, phải lập tức tấn công chúng và ngưng hết các nhiệm vụ khác. Nếu thời gian cho phép, tư lệnh tiểu đoàn sẽ tách các trung đội tăng hạng vừa khỏi các đại đội tăng nhẹ và đưa các trung đội này trở lại đại đội tăng vừa.
Trong mọi tình huống đấu tăng, các xe tăng hạng vừa cần nỗ lực di chuyển sao cho mặt trời nằm phía sau lưng (nhằm tránh chói mắt cho mình và gây chói mắt cho đối phương – ND).
Trong trường hợp truy kích, đại đội xe tăng hạng vừa có thể được sử dụng ở tuyến trước nhằm tận dụng lợi thế tầm xa của loại đạn pháo có sức công phá lớn.
4. Lưu ý khác
Trung đội xe tăng hạng nhẹ thuộc đại đội sở chỉ huy tiểu đoàn sẽ hướng dẫn đại đội xe tăng hạng vừa về việc hành quân và về thời điểm rút về vị trí tập kết hoặc nghỉ ngơi. Nếu đại đội tăng hạng vừa độc lập di chuyển thì một bộ phận của trung đội tăng nhẹ sẽ được ghép vào đại đội đó.
Các bộ phận của trung đội cao xạ thuộc đại đội sở chỉ huy có thể được phân bổ về đại đội hạng vừa.
Thợ sửa xe tăng sẽ di chuyển ngay sau đội hình chiến đấu bậc thang. Trung đội cứu hộ chịu trách nhiệm kéo về hậu cứ các xe tăng mà đội sửa chữa không thể xử lý ngay được. Trung đội cứu hộ nằm dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan kỹ thuật – người này quản lý tất cả các xe tải chở thiết bị và linh kiện cho các đại đội tăng. Các xe tải này có thể đi theo các tuyến đường riêng theo chỉ đạo của sĩ quan kỹ thuật./.
>> Xem thêm: Khốc liệt trận chiến Stalingrad trong Thế chiến 2
0 nhận xét:
Post a Comment