14 June 2016

Tăng Tiger II - Xe tăng mạnh mẽ nhất Thế chiến thứ hai

Thông số kỹ thuật xe tăng PzKpfw VIB Tiger II Ausf. B
Nhà sản xuất: Henschel / Porsche
Năm biên chế: 1944
Số lượng sản xuất: 485 chiếc
Dài: 10,26 m
Rộng: 3,75 m
Cao: 3,09 m
Trọng lượng: 69,7 tấn
Động cơ: Maybach HL 230 P 30 V-12 công suất 700 mã lực
Tốc độ tối đa: 38 km/h
Tầm hoạt động: 110 km
Vũ khí:
1 pháo chính 88 mm KwK 43 L/71 với 86 viên đạn
2 súng máy 7,92 mm MG34 với 5.850 viên đạn
Khi chiếc xe tăng Tiger nổi tiếng đi vào sản xuất hàng loạt, giới lãnh đạo Đức tiếp tục đòi hỏi một loại xe tăng hạng nặng mới có giáp dày hơn và hỏa lực mạnh mẽ hơn. Họ dự trù điều này bởi vì quân Đức không muốn bị bất ngờ trước bất kỳ viễn cảnh nào khi mà Quân đội Liên Xôliên tiếp cho ra các mẫu xe tăng vượt trội hơn, như điều đã làm với T-34 và dòng tăng hạng nặng KV-1. Do đó Hitler đã ra lệnh cho cơ quan vũ khí Quân đội Đức xúc tiến chương trình nghiên cứu vào tháng 8/1942 với yêu cầu cho ra đời loại xe tăng mới có giáp trước đặt nghiêng, dày ít nhất 150 mm và mang pháo chính cỡ 88 mm.
Sát thủ trên chiến trường - Xe tăng Tiger II
Hai hãng Henschel và MAN cùng tham gia chương trình chế tạo xe tăng hạng nặng mới, họ đưa ra những ý tưởng dựa trên mẫu xe tăng đã được sản xuất hàng loạt là Tiger và Panther, nhưng điều cốt yếu là phải tổng hợp được những ưu điểm của hai loại này để làm nên một cỗ máy chiến đấu xuất sắc nhất cho quân đội Đức. Tiến sĩ Ferdinand Porche, cha đẻ của pháo tự hành diệt tăng Ferdinand nổi tiếng vốn có quan hệ gần gũi với Hitler cũng được đề nghị tham gia dự án.
Hãng Porsche nhanh chóng đưa ra mẫu thiết kế giáp dày 150 mm dựa trên phương án cũ vốn bị từ chối của họ là VK4501(P), nhưng lần này quân đội Đức tiếp tục không đồng ý với lý do chủ yếu nằm ở khẩu pháo cỡ 152 mm, họ muốn hỏa lực vẫn phải là khẩu pháo 88 mm KwK L/71 vốn lúc đầu là khẩu pháo phòng không Flak 41 về sau được sử dụng lần đầu tiên trên xe tăng Tiger I, vì vậy Porsche giới thiệu mẫu VK4502 (P), mẫu này tiếp tục bị từ chối nhưng thiết kế tháp pháo thì lại được chấp nhận.
Tiger II với tháp pháo Porsche
Hãng MAN giới thiệu thiết kế của họ là VK4502 (MAN) nhưng mẫu này về sau được đặt tên “Panther II”, phiên bản kế thừa của Panther, tuy vậy Panther II không kịp có mặt trong Thế chiến vì chiến tranh đã kết thúc trước khi dây chuyền sản xuất hoạt động.
Vào lúc này hãng Henschel cho ra lò mẫu thiết kế VK4502 (H) và bị từ chối, sau đó họ tiếp tục gửi lại mẫu VK4503 (H) nhưng mọi thứ đã bị tạm ngừng để đánh giá lại các yêu cầu vì thực tế chiến trường thay đổi rất nhiều. Mẫu xe tăng Panther đã thể hiện sự thành công ngoài thực địa, do đó nhiều ưu điểm của nó đã được ứng dụng trong thiết kế của loại xe tăng hạng nặng mới. Mẫu thiết kế VK4503 (H) có chỉnh sửa hoàn tất vào tháng 10/1943 với tháp pháo Henschel-Krupp chính thức được chọn với tên SdKfz 182 Panzerkampfwagen VIB Tiger II, hay được gọi tắt là Tiger II.
Tiger II bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại nhà máy Henschel Kassen vào tháng 12/1943 cho đến khi kết thúc chiến tranh. 50 chiếc Tiger II đầu tiên được sản xuất với tháp pháo Porsche-Wegmann trước khi chuyển sang loại tháp pháo Henschel-Krupp tốt hơn.
Tiger II với tháp pháo Henschel-Krupp
Tổng cộng có khoảng gần 500 chiếc Tiger II được sản xuất trong toàn bộ cuộc chiến, về sau khi giao tranh tiến tới gần Berlin khiến các cơ sở sản xuất xe tăng của Đức lần lượt bị phá hủy, buộc Tiger II và Panther phải chia sẻ dây chuyền sản xuất với tốc độ trung bình một chiếc Tiger II trên hai chiếc Panther, và để bù đắp những tổn thất khổng lồ của quân đội trên chiến trường người Đức đã quyết định tập trung vào xe tăng Panther, chấp nhận giảm tốc độ sản xuất Tiger II từ gần 85 chiếc xuống còn 25 chiếc/tháng vào thời điểm tháng 3/1945.
Tiger II tham chiến lần đầu vào tháng 5/1944 tại mặt trận phía Đông và sau đó tháng 8/1944 chiến đấu với quân Mỹ. Sau những cuộc chạm trán dữ dội với Tiger II, quân Đồng Minh đã đặt tên cho cỗ máy to lớn này là “King Tiger” hay “Royal Tiger”.
Kích cỡ to lớn của Tiger II bên cạnh lái xe của nó
Về cơ bản, thiết kế của Tiger II có nhiều nét tương đồng với Panther hơn là mẫu Tiger I. Tiger II có giáp mặt trước, sau, hông đều nghiêng nhiều hơn mẫu Tiger I vốn “vuông thành sắc cạnh”. Kíp lái của Tiger II có 5 người bao gồm lái xe, trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn viên và điện đài viên. Lái xe ngồi bên trái phía trước trong khi điện đài viên ngồi bên phải, những người còn lại ngồi trong khoang chiến đấu với tháp pháo gắn khẩu pháo 88 mm KwK 43 nòng dài hơn khẩu 88 mm trên Tiger I. Cùng với pháo chính là súng máy 7,92 mm đồng trục và một khẩu 7,92 mm khác ở đầu xe. Tiger II mang theo cơ số đạn dược dồi dào gồm 86 viên đạn pháo 88 mm với hai loại đạn AP để xuyên giáp và đạn nổ HE cùng gần 6.000 viên đạn súng máy.
Khẩu pháo 88 mm có thể hạ bất cứ xe tăng Đồng minh nào từ xa
Hỏa lực của Tiger II có thể nói là khủng khiếp với bất kì loại xe tăng nào của quân Đồng minh, khẩu pháo 88 mm nòng dài xuyên giáp xe tăng Đồng minh như “xuyên bún”, có thể hạ xe tăng Sherman, Cromwell và T-34/85 ở khoảng cách 3,5 km, cùng với kính ngắm quang học nổi tiếng của Đức đảm bảo cho khả năng “thấy trước, bắn trước, bắn hạ ngay từ phát đầu tiên” của Tiger II. Thậm chí những xe tăng Đồng minh chưa bị bắn cháy cũng phải chạy đến tầm gần hơn mới có cơ may bắn hạ Tiger II vì giáp “King Tiger” quá dày, và kể cả khi đó cũng cần nhiều xe tăng Đồng minh một lúc để chiến đấu với một chiếc Tiger II.
Theo như lời kể của trung sĩ Clyde D. Brunson, sư đoàn thiết giáp số 2 quân Đồng minh: “Một ngày, một chiếc Royal Tiger xuất hiện cách xe tăng chúng tôi khoảng 130 m và ngay lập tức bắn hạ xe tôi. 5 xe tăng khác trong đội chúng tôi lập tức khai hỏa vào mặt trước chiếc Tiger II từ khoảng cách 180 - 550 m, khoảng 5 hay 6 phát, tất cả đạn đều nảy đi và chiếc Tiger II từ từ lùi lại rồi rút lui. Nếu chúng tôi có một chiếc xe tăng như Tiger II, có lẽ tất cả chúng tôi đều có thể trở về nhà sau cuộc chiến...”
Như đã nói, giáp của Tiger II với chỗ dày nhất phía trước đạt 150 mm, chưa có hình ảnh hay ghi chú nào nhắc tới việc giáp trước của Tiger II bị xuyên thủng, tuy vậy giáp dày cũng khiến khối lượng xe cũng nặng tới 69,8 tấn. Cung cấp sự cơ động cho con quái vật thép này là động cơ Maybach HL 230 P30 công suất 700 mã lực vốn được lắp đặt trên xe tăng Panther. Tuy nặng nề nhưng Tiger II không hề quá chậm chạp, tốc độ di chuyển trên đường tốt đạt 38 km/h trong khi trên đường địa hình là 17 km/h, nhưng vấn đề nằm ở chỗ động cơ quá “uống” nhiên liệu (500 lít/100 km) cho nên tiếp liệu cho Tiger II trên chiến trường thực sự là cơn ác mộng với cả kíp lái và hậu cần, thực tế đã ghi nhận nhiều chiếc Tiger II bị bỏ lại vì hết xăng.
Tiger II to lớn bên cạnh xe tăng M4 của Mỹ
Dự trữ hành trình của Tiger II chỉ khoảng 120 km trên đường tốt, còn nếu đi vào đường địa hình thì còn khoảng 80 km, tầm hoạt động hạn chế cộng với việc cần liên tục bảo dưỡng làm giảm nhiều sự ưu việt của Tiger II. Chiếc xe tăng mang biệt danh “Vua hổ” này cần kíp lái được đào tạo kỹ lưỡng để điều khiển lẫn bảo dưỡng, vì một giờ hoạt động của Tiger II cần tới 10 giờ để bảo dưỡng.
Tóm lại, Tiger II thật sự là một chiến xa mạnh mẽ trên chiến trường, nhưng những khiếm khuyết trong việc tiêu thụ nhiên liệu hay kích thước quá lớn (khi bị hỏng hóc cần tới 2 - 3 xe cứu hộ hạng nặng mới có thể kéo Tiger II về xưởng) khiến chiếc xe bị mất trong chiến đấu do kíp lái bỏ lại còn nhiều hơn là bị bắn hạ, nhưng dù sao đi nữa Tiger II xứng đáng là chiếc xe tăng nguy hiểm nhất trong Thế chiến thứ hai.
Mặc dù có sức mạnh vượt trội nhưng sự thất thế của Đức Quốc xã trong giai đoạn cuối của cuộc chiến đã khiến Tiger II không được sản xuất với quy mô lớn.

Tiger II bị bỏ lại nguyên vẹn và rơi vào tay quân Mỹ

0 nhận xét:

Post a Comment

 

BACK TO TOP

Xuống cuối trang