1. F-111 Aardvark
General Dynamics F-111 Aardvark (con lợn đất) là một loại máy bay ném bom chiến lược tầm trung, trinh sát, và chiến đấu được thiết kế trong những năm 1960 (thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 21/12/1964). F-111 được Không quân Mỹ cho nghỉ hưu vào năm 1996 tuy nhiên nó vẫn được Không lực Hoàng gia Australia (RAAF) sử dụng, tại đây nó được gọi là "Pig" (con lợn) cho đến khi về hưu hẳn sau ngày 3/12/2010.
Thông số kỹ thuật máy bay F-111D: Kíp lái 2 người; dài 22,4 m; sải cánh 9,75 m (cụp), 19,2 m (xòe); cao 5,22 m; trọng lượng rỗng 21.537 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 44.896 kg, tải trọng vũ khí 14.300 kg. Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF30-P-100 lực đẩy 79,6 kN (lên tới 112 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 2,5; tầm bay 5.190 km; trần bay 17.270 m.
F-111 đi tiên phong trong một số kỹ thuật sản xuất máy bay quân sự, bao gồm thiết kế cánh có thể thay đổi hình dạng (cánh cụp cánh xoè), động cơ phản lực quạt ép có đốt sau và radar theo dõi địa hình để bay nhanh ở cao độ thấp. Thiết kế của nó có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tới các kỹ sư Liên Xô và một số tính năng tiên tiến của nó đã trở thành tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên sự khởi đầu của F-111 mắc phải nhiều vấn đề về thiết kế và nhiều dự định cho vai trò của nó như máy bay tiêm kích đánh chặn dành cho hải quân đã không thể thực hiện được.
F-111A được triển khai đầu tiên tại chiến trường Việt Nam, F-111F đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh nhưng có lẽ thành công lớn nhất của F-111 chính là trong cuộc tấn công hỗn hợp của Không quân và Hải quân Mỹ vào giữa tháng 4/1986 tại El Dorado Canyon, Libya. Trong Không quân Mỹ, F-111 đã được thay thế hiệu quả bởi chiếc F-15E Strike Eagle ở vai trò máy bay tấn công chính xác tầm trung, trong khi nhiệm vụ ném bom chiến lược được tiếp nối bởi B-1B Lancer.
2. B-1 Lancer
Rockwell B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu âm cánh cụp cánh xòe của Không quân Mỹ. Phiên bản B-1A được North American Rockwell nghiên cứu phát triển vào đầu những năm 1970, tuy nhiên việc sản xuất hàng loạt bị hủy bỏ và chỉ có 4 chiếc được chế tạo. Năm 1980, dự án B-1 lại hồi sinh do nó được phát hiện có khả năng thực hiện các phi vụ oanh tạc xâm nhập thấp chớp nhoáng. B-1B bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1986.
Thông số kỹ thuật máy bay B-1B: Kíp lái 4 người; dài 44,5 m; sải cánh 24 m (cụp), 41,8 m (xòe); cao 10,4 m; trọng lượng rỗng 87.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 216.400 kg, tải trọng vũ khí 56.700 kg. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 lực đẩy 64,9 kN (lên tới 136,92 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 1,25; tầm bay 11.999 km; trần bay 18.000 m.
Các máy bay B-1B đầu tiên phục vụ trong Không quân Mỹ với vai trò máy bay ném bom hạt nhân chiến lược, đến những năm 1990 nó được chuyển đổi sang máy bay ném bom thông thường. B-1B trải qua thực chiến lần đầu tiên năm 1998 trong chiến dịch Cáo sa mạc, sau đó nó tiếp tục vai trò yểm trợ hỏa lực cho quân đội Mỹ và NATO ở chiến trường Afghanistan và Iraq.
Trong suốt quá trình hoạt động, B-1B gặp phải không ít chỉ trích giống như người tiền nhiệm F-11 ví dụ như hộp số lớn dùng để di chuyển cánh hay bị nứt, động cơ thường rò rỉ nhiên liệu và trong một số trường hợp còn rơi luôn ra khỏi máy bay, bên cạnh đó radar địa hình cho thông số sai lệch cũng như không tương thích với các loại vũ khí mới. Tuy nhiên B-1B Lancer vẫn được tin dùng chủ yếu nhờ khả năng bay thấp tốc độ cao và ném bom có điều khiển rất chính xác.
3.Tu-160
Tupolev Tu-160 (tên định danh NATO Blackjack) là loại máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh với đôi cánh có thể thay đổi hình dạng. Tu-160 là bản thiết kế máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô mục đích để cạnh tranh với B-1 Lancer của Mỹ, đây cũng là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được chế tạo.
Thông số kỹ thuật máy bay Tu-160: Kíp lái 4 người; dài 54,1 m; sải cánh 35,6 m (cụp ở góc 650), 55,7 m (xòe ở góc 200); cao 13,1 m; trọng lượng rỗng 110.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 275.000 kg, tải trọng vũ khí 40.000 kg. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Samara NK-321 lực đẩy 137,3 kN (lên tới 245 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa Mach 2,05; tầm bay 12.300 km; trần bay 15.000 m.
Năm 1972, phòng thiết kế Tupolev đưa ra mẫu thiết kế máy bay có cánh kéo dài với tên hiệu Aircraft 160M, kết hợp một số yếu tố của Tu-144 để cạnh tranh với các bản thiết kế Myasishchev M-18 và Sukhoi T-4. Thiết kế của Myasishchev đề xuất một máy bay có thể thay đổi hình dạng cánh, được coi là kiểu thành công nhất dù Tupolev được đánh giá cao về khả năng thực hiện dự án. Cuối cùng, năm 1973 Tupolev được chỉ định phát triển loại máy bay mới dựa trên thiết kế của Myasishchev. Đến năm 1977, thiết kế của Tu-160 chính thức được chấp nhận.
Tu-160 Tu-160 có hệ thống kiểm soát "fly-by-wire" tiên tiến, được trang bị 1 radar tấn công Obzor-K và 1 radar theo dõi mặt đất Sopka riêng biệt khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp. Ngoài ra máy bay còn có 1 máy ngắm ném bom điện quang và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.
Tu-160 được sản xuất hàng loạt tại Tổ hợp hàng không Kazan từ năm 1984, ban đầu nó được dự kiến sản xuất với số lượng 100 chiếc nhưng thực tế mới chỉ có 35 chiếc xuất xưởng gồm cả 3 mẫu thử nghiệm. Do sự tan rã của Liên bang Xô Viết nên việc chế tạo diễn ra rất chậm chạp và đã bị ngừng lại vào năm 1994 mặc dù một số chiếc vẫn ở tình trạng chưa hoàn thành.
0 nhận xét:
Post a Comment