Tupolev Tu-95 Bear là loại máy bay ném bom chiến lược sử dụng động cơ cánh quạt duy nhất còn hoạt động cho tới ngày nay. Được giới thiệu từ năm 1951, thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 12/11/1952, trải qua 20 lần nâng cấp trong suốt quãng thời gian phục vụ trong Không quân Liên Xô và Không quân Nga. Giống như đối thủ B-52 của Mỹ, Tu-95 vẫn tiếp tục hoạt động trong khi rất nhiều bản thiết kế khác đã xuất hiện và biến mất. Một phần lý do dẫn tới khoảng thời gian hoạt động dài kỷ lục là do máy bay có kết cấu vững chắc và thích hợp chuyển đổi sử dụng cho nhiều mục đích. Tu-95 có một phiên bản máy bay tuần tra săn ngầm dành cho hải quân với tên gọi Tu-142.
Tu-95 giữ kỷ lục là chiếc máy bay cánh quạt có tốc độ cao nhất đang hoạt động nhờ kết cấu độc đáo gồm 4 động cơ turbine cánh quạt Kuznetsov, mỗi chiếc có 2 cánh quạt quay ngược chiều nhau và đôi cánh xuôi phía sau một góc 35 độ. Do dùng động cơ cánh quạt có công suất cực cao nên Tu-95 gây ra tiếng ồn rất lớn, biến nó trở thành chiếc máy bay ném bom ồn nhất thế giới, thậm chí nó có thể bị nhận ra bởi hệ thống định vị thủy âm của tàu ngầm. Thông số cơ bản: Kíp chiến đấu 7 người; dài 49,5 m; sải cánh 51,1 m; cao 12,12 m; trọng lượng rỗng 90.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 188.000 kg; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Kuznetsov NK-12MV công suất 11.000 kW (14.800 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 925 km/h, tầm hoạt động 15.000 km, trần bay 12.000 m, tải trọng vũ khí 15.000 kg.
Lockheed Martin C-130 Hercules là một máy bay vận tải 4 động cơ turbine cánh quạt hạng trung hoạt động trong Không quân Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/8/1954, chính thức đưa vào trang bị ngày 9/12/1957. Nhờ khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn từ các sân bay dã chiến nên ban đầu C-130 được thiết kế để làm máy bay vận tải, cứu thương và chuyển quân. C-130 Hercules có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới. Mới đây Ấn Độ đã đặt hàng một lượng lớn C-130J và đây chắc chắn chưa phải là đơn hàng cuối cùng của dòng máy bay huyền thoại này.
Thông số cơ bản: Kíp lái 4 -6 người; dài 29,8 m; sải cánh 40,4 m; cao 11,6 m; trọng lượng rỗng 38.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 70.300 kg; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-15 công suất 4.300 shp (3.210 kW) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 610 km/h, tầm hoạt động 3.800 km, trần bay 10.000 m, tải trọng 20.000 kg. Phần thân C-130 có khả năng tùy biến khá linh hoạt khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò bao gồm máy bay yểm trợ hỏa lực hạng nặng, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả. Biến thể nổi tiếng nhất của C-130 chính là AC-130, chiếc gunship số 1 thế giới.
Lockheed Martin P-3 Orion là loại máy bay tuần tra hàng hải kiêm chống ngầm 4 động cơ được phát triển cho Hải quân Mỹ dựa trên mẫu máy bay chở khách L-188 Electra, chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 8/1962. Phiên bản P-3C được trang bị thiết bị phát hiện từ tính (MAD) dùng để phát hiện sự xáo trộn bất thường của từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển gây ra; bên cạnh đó là radar giám sát hàng hải Raytheon AN/APS-115 và radar tìm kiếm mục tiêu AN/APS-137D(V)5, đây là loại radar khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ở cự ly khoảng 30 km, phát hiện xuồng cứu sinh ở cự ly 60 km. Ngoài ra P-3C còn có phao định vị âm thanh AQA-7 và hệ thống trinh sát điện tử ALQ-78 treo ở cánh, hệ thống này sẽ tự động phát hiện các tín hiệu do tàu ngầm phát ra và định vị chúng.
Thông số cơ bản: kíp chiến đấu 11 người; dài 35,6 m; sải cánh 30,4 m; cao 11,8 m; trọng lượng cất cánh tối đa 64.400 kg; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-14 công suất 3.700 kW (4.600 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 750 km/h, tầm hoạt động 4.400 km, trần bay 10.400 m. Khoang chứa trong thân và giá treo trên cánh có thể mang 9 tấn vũ khí gồm bom chìm, ngư lôi Mk-46, tên lửa không đối hạm AGM-84 Harpoon hoặc tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Hiện nay có hàng trăm chiếc P-3C Orion đang hoạt động trong lực lượng hải quân của nhiều quốc gia, biến nó trở thành chiếc máy bay tuần tra săn ngầm phổ biến nhất thế giới.
Northrop Grumman E-2 Hawkeye là một loại máy bay cánh báo sớm trên không (AEW) chiến thuật có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trang bị cho tàu sân bay. E-2 được thiết kế và phát triển cuối thập niên 1950 cho Hải quân Mỹ nhằm thay thế E-1 Tracer, chuyến bay đầu tiên của E-2 thực hiện ngày 21/10/1960 và chính thức đưa vào trang bị tháng 1/1964. Phiên bản phổ biến nhất của dòng máy bay này là E-2C được trang bị anten mạng pha phát hiện từ xa, cơ cấu dẫn động quay tròn, anten máy hỏi của hệ thống nhận biết địch-ta và anten truyền dữ liệu có thể phát hiện các máy bay ở khoảng cách đến 540 km và tên lửa hành trình ở khoảng cách đến 248 km. Hiện nay những "Con mắt diều hâu" này vẫn là loại máy bay cảnh báo sớm trên hạm đúng nghĩa duy nhất và là thành phần cực kỳ quan trọng không thể thay thế, đem lại lợi thế cực lớn cho các tàu sân bay Mỹ, Pháp trước đối phương.
Gần đây Mỹ đã giới thiệu phiên bản nâng cấp mới nhất của E-2 là E-2D với khả năng tiếp dầu trên không nhằm tăng cường thời gian bay (từ 4,5 - 5 tiếng hiện nay), được trang bị radar mảng pha mới tăng tầm phát hiện mục tiêu (từ 640 km hiện nay) và khả năng phối hợp tác chiến với các loại vũ khí khác. Thông số cơ bản: kíp lái 5 người; dài 17,6 m; sải cánh 24,56 m; cao 5,58 m; trọng lượng rỗng 18.090 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 26.083 kg; máy bay được trang bị 2 động cơ cánh quạt Allison/Rolls-Royce T56-A-427 (E-2C) hoặc T56-A-427A (E-2D) công suất 5.100 shp (3.800 kW) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 648 km/h, tầm hoạt động 2.708 km, trần bay 10.576 m. E-2 có một biến thể máy bay vận tải hoạt động trên hạm là C-2 Greyhound.
Embraer EMB-314 Super Tucano hay còn được gọi bằng cái tên A-29 là máy bay quân sự cánh quạt có tuổi đời trẻ nhất nhưng đồng thời cũng là một trong những loại nổi tiếng nhất vào thời điểm hiện tại. Super Tucano có hình dáng khá lạc hậu của một chiến đấu cơ thời Thế chiến II nhưng nó lại được trang bị vũ khí và hệ thống điện tử hàng không của máy bay thế hệ 4 như tên lửa không đối không tầm nhiệt, bom thông minh dẫn đường bằng laser, màn hình hiển thị đa chức năng cùng với radar và cảm biến tiên tiến.
A-29 Super Tucano được thiết kế chủ yếu để thực hiện vai trò máy bay tấn công hạng nhẹ và tham gia huấn luyện phi công. Tính từ thời điểm ra mắt năm 2000 đến nay đã có khoảng 134 chiếc được sản xuất và con số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi ngày càng nhiều nước tỏ ý quan tâm và đặt hàng. Thông số cơ bản: Kíp lái 1 người (A-29A) hoặc 2 người (A-29B); dài 11,33 m; sải cánh 11,14 m; cao 3,97 m; trọng lượng rỗng 3.020 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 5.200 kg; máy bay được trang bị 1 động cơ cánh quạt Pratt & Whitney Canada PT6A-68C công suất 1.600 mã lực (1.193 kW) cho tốc độ tối đa 593 km/h, tầm hoạt động 4.820 km, trần bay 10.670 m, 5 điểm treo dưới cánh và bụng mang được 1.550 kg vũ khí cùng 2 súng máy 12,7 mm trong thân.
theo Đại Lộ
0 nhận xét:
Post a Comment