30 August 2016

Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới " Mein Kampf" (Cuộc đấu tranh của tôi)

Cuốn sách “Mein Kampf” của trùm phát xít Adolf Hitler đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền tại Đức vào cuối năm 2015. Trong khi đó, Viện Sử học Đương đại Munich có kế hoạch đưa ra một bản in mới của cuốn sách được tờ BBC gọi là nguy hiểm nhất thế giới này.

Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận ở Đức.
Năm 2016 và cả sau này, người Đức sẽ coi đây là tài nguyên giáo dục hay là cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới chứa đựng những lời nguyền rủa độc ác ở đất nước vẫn còn ám ảnh bóng quá khứ của chủ nghĩa độc tài?
Trùm phát xít Adolf Hitler viết cuốn “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi) khi đang ở trong tù sau cuộc đảo chính thất bại tại Munich vào năm 1923. Cuốn sách dày 800 trang, viết theo phong cách pha trộn giữa thể loại hồi ký và tuyên truyền với nội dung xoay quanh quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái của Hitler. Khi Hitler nắm quyền lãnh đạo Đức Quốc xã một thập kỷ sau đó, cuốn sách trở thành văn bản chủ chốt của Đức Quốc xã. 12 triệu bản được in và phát cho các cặp vợ chồng mới cưới, những bản mạ vàng thì được treo trang trọng trong nhà các quan chức cấp cao.
Cuốn “Mein Kampf” của Adolf Hitler
Đến cuối chiến tranh thế giới 2 vào năm 1945, quân đội Mỹ chiếm được nhà xuất bản Eher Verlag của Đảng Quốc xã và bản quyền cuốn “Mein Kampf” được chuyển cho chính quyền bang Bavaria. Từ đó cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới này chỉ được tái bản ở Đức trong những trường hợp đặc biệt với sự cho phép của chính quyền. Tuy nhiên, “Mein Kampf” đã hết hạn bảo quyền vào cuối năm 2015 và đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể xuất bản cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới này.
Mới đây, Viện Sử học Đương đại Munich có kế hoạch phát hành một ấn bản mới của “Mein Kampf”. Ấn bản dày 2.000 trang gồm 2 tập, sẽ kết hợp bản gốc với những lời bình luận chỉ ra những thiếu sót và xuyên tạc sự thật trong cuốn sách của Adolf Hitler. Cuốn sách sẽ được bán với giá khoảng 65 đô la. Theo Andreas Wirsching, Giám đốc Viện Sử học Đương đại Munich, việc xuất bản lần này nhằm đập tan những luận điệu mị dân và phơi bày sự thật đằng sau những quan điểm khiêu khích của Hitler.
Tuy vậy, theo một cuộc thăm dò dư luận ở Đức cho thấy, 51% người dân cho rằng không nên in ấn cuốn “Mein Kampf”. Những nạn nhân Đức Quốc xã còn sống thì lên tiếng chỉ trích kế hoạch này. Charlotte Knobloch, cựu Chủ tịch Hội đồng Trung ương của người Do Thái ở Đức cũng phản đối kế hoạch này vì theo bà “cuốn sách giống như chiếc hộp Pandora bí mật và chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong tâm trí của mọi người khi đọc nó”.
Trong khi đó cũng có những người ủng hộ việc in ấn cuốn “Mein Kampf” kèm theo bản chú thích như Josef Schuster, Chủ tịch Hội đồng Trung ương của người Do Thái ở Đức. Còn Josef Kraus, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức cũng đồng tình với quan điểm của Knobloch nhưng ông cho rằng có nhiều điều nguy hiểm hơn là chôn vùi cuốn sách trong im lặng hoặc cấm hoàn toàn. Và việc đưa cuốn “Mein Kampf” vào giảng dạy trong các lớp học lịch sử sẽ giúp giới trẻ miễn nhiễm với chủ nghĩa cực đoan.
Người ta lo lắng việc cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới này có thể được in tự do sau khi đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền tại Đức vào cuối năm 2015. Nhưng một lệnh cấm xuất bản cuốn sách trên toàn cầu là không thể thực hiện được. Nếu người ta không thể mua “Mein Kampf” ở Đức thì có thể ở một số nước khác như Áo, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ nơi được phép in và bán cuốn sách này.
Năm 2003, ước tính có khoảng 20.000 bản tiếng Anh được bán ra. Còn ấn bản bìa mềm giá rẻ của “Mein Kampf” dẫn đầu top sách bán chạy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ trong thập kỷ qua và bản ebook đạt mức bán chạy kỷ lục năm 2014. Thậm chí, cuốn sách còn được yêu thích ở Ấn Độ nhất là với các chính trị gia theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc. Theo Atrayee See, giảng viên về tôn giáo và xung đột đương đại ở Đại học Manchester: “Nó được coi là cuốn sách tự học rất ý nghĩa. Nếu loại bỏ phần nói và chủ nghĩa bài Do Thái thì cuốn sách nòi về người đàn ông ở trong tù mơ chinh phục thế giới”.
Hiện chính phủ Đức tạm thời chưa thông qua phương án của Viện Sử học Đương đại Munich. Và khi thời hạn bảo vệ bản quyền của “Mein Kampf” đã hết thì đó là vấn đề mà các nhà xuất bản ở Đức hay cụ thể là nước Đức phải xem xét có nên in ấn xuất bản cuốn sách này hay không. Năm 2016 và cả sau này, người Đức sẽ coi đây là tài nguyên giáo dục hay là cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới chứa đựng những lời nguyền rủa độc ác ở đất nước vẫn còn ám ảnh bóng quá khứ của chủ nghĩa độc tài?
Theo Lý Nam - Dân Việt (dịch từ Huffington Post)

0 nhận xét:

Post a Comment

 

BACK TO TOP

Xuống cuối trang