Hình tượng một nhà "bác học điên", một thiên tài lập dị, đã từ rất lâu không còn là của riêng Albert Einstein. Trong suốt hơn hai thập kỷ vừa qua, những chú ý của công chúng đối với Nikola Tesla (1856-1943) đã thêu dệt nên rất nhiều câu chuyện về cuộc đời nhà bác học vĩ đại này. Trong các bộ phim, câu chuyện về cuộc đời Tesla, ông được coi như một người hùng vô danh với những thành tựu không được nhân loại ghi nhận hết. Đóng vai phản diện trong những câu chuyện này là Thomas Edison, kẻ luôn muốn tìm mọi cách để cản trở Tesla thăng tiến, cũng như cố gắng "cướp công" của ông mỗi khi có thể.
Tuy nhiên, những tài liệu thực tế ghi chép về Tesla lại có rất nhiều điểm khác biệt. Thành tựu mà Nikola Tesla đạt được luôn được ghi nhận đầy đủ, thậm chí ông là người rất được tôn trọng trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1896, Bá tước Kevin đã tuyên bố rằng: "Những cống hiến của Nikola Tesla đối với khoa học điện vĩ đại đến mức từ trước đến nay chưa ai có thể sánh bằng". Và, một trong những giải thưởng danh giá nhất được trao cho Tesla chính là Huân chương Edison, thứ mà Thomas Edison nếu muốn có thể dễ dàng can thiệp và cản trở, do rất nhiều người trong hội đồng trao giải là bạn tốt của ông.
Ngày 18 tháng 5 năm 1917, Học viện Kĩ sư Điện Mỹ (nay được biết đến với cái tên IEEE) trao cho Nikola Tesla huân chương Edison. Hôm đó cũng là tròn 29 năm ngày Tesla được cấp bằng sáng chế cho phát minh vĩ đại nhất của mình: Động cơ điện sử dụng hệ thống điện nhiều pha.
Nikola Tesla vào năm 1896
Trước đó, tính đến ngày mùng 1 tháng 5 năm 1888, Tesla đã nhận được rất nhiều giải thưởng liên quan đến các bằng sáng chế trong lĩnh vực động cơ điện, cũng như hệ thống điện nhiều pha. Những phát minh của Tesla sau đó được Westinghouse Electrics đưa vào sử dụng, do Edison từ chối cộng tác với ông. Và chính nhờ hệ thống điện xoay chiều mà Westinghouse đã chiến thắng trong "cuộc chiến dòng điện", trước đối thủ là Edison và General Electrics.
Đó là một cuộc chiến khó khăn cả về công nghệ, quảng cáo cũng như pháp lý, khi mà Edison đánh trực tiếp vào tâm lý sợ hãi bị điện giật của mọi người. Thậm chí, Edison còn tiến hành giật điện các loài động vật trước đám đông để chứng tỏ sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều. Vào lúc đó, Thomas Edison coi Tesla như "nhà thơ trong giới khoa học", với những ý tưởng vĩ đại nhưng hoàn toàn chỉ là chuyện viển vông.
Sự kính trọng của Tesla
Đến năm 1917, tất cả những bất đồng trước đây giữa Tesla và Edison gần như bị xóa bỏ. Huân chương Edison ghi nhận đóng góp vĩ đại của Tesla, khi những phát minh của ông được sử dụng để thắp sáng các thành phố, cũng như trở thành phương tiện biến điện năng thành cơ năng. Trong bài diễn văn vào đêm nhận huân chương, Bernard A. Behrend có nói thêm: "Nếu như chúng ta loại bỏ đi những đóng góp của ngài Tesla, thì bánh xe công nghiệp sẽ ngừng quay, xe cộ sẽ ngừng chạy, và những thị trấn sẽ mãi chìm trong bóng tối".
Tesla trong nhà máy của mình tại Colorado Springs
Nikola Tesla hôm đó cũng bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với giải thưởng, và dành nhiều lời để nói về Edison, khen ngợi quan điểm thực tiễn của ông: "Khi mới bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ, tôi đã được gặp Edison, và những gì tôi thấy được đều rất vĩ đại. Tôi nhìn thấy ở ông ấy một con người phi thường, dù không được đào tạo bài bản nhưng lại có thể tự làm được nhiều thứ. Khi đó, tôi cảm thấy rất xấu hổ bởi đã lãng phí rất nhiều thời gian - như các vị biết đấy, sau đó tôi đã học thêm cả tá ngoại ngữ và chìm đắm trong văn chương trong suốt một thời gian dài, đọc ngấu nghiến những cuốn sách mà mình kiếm được". - Tesla đã hồi tưởng về năm đầu tiên của mình ở nước Mỹ, khi còn đang làm thuê cho Edison như vậy.
Tuy nhiên, Tesla cũng nhấn mạnh rằng sự kiên trì và chịu khó là những điểm duy nhất mà ông có chung với Edison: "Tôi không cần đến các mẫu vật, bản vẽ hay thí nghiệm, tôi có thể tự thực hiện tất cả những thứ đó trong đầu. Cách thức mà tôi tạo ra những ý tưởng, những phát minh mới, hoàn toàn đối lập với phương pháp lặp đi lặp lại các thí nghiệm một cách liên tục, không ngừng nghỉ của Thomas Edison."
Đến những lời chê trách
Năm 1931, Thomas Edison qua đời. Ngay ngày hôm sau, trên tạp chí New York Times cho đăng tải những lời của Nikola Tesla như sau: "Nếu phải tìm kiếm cây kim giữa một đống rơm, thay vì dừng lại suy nghĩ xem mình cần phải lục lọi ở đâu, Edison sẽ chăm chăm nhặt từng cọng rơm một như một con ong cần mẫn. Xét toàn thể thì cách thức mà ông ấy làm việc không hề hiệu quả một chút nào. Tôi cảm thấy thật buồn khi phải chứng kiến điều đó, bởi tôi biết, chỉ cần bỏ công tính toán một chút thôi, Edison sẽ bớt đi được tới 90% khối lượng công việc cần làm."
"Vậy mới thấy, những gì mà Edison đạt được giống như một phép màu vậy. Gần như sẽ không thể tìm được người nào khác đạt được thành công theo phương pháp của Edison, và ông ta sẽ mãi mãi là hình tượng có-một-không-hai trong lịch sử." - Tesla bổ sung thêm trong bài báo.
Trên thực tế, Nikola Tesla rất hay đưa ra những lời chỉ trích đối với các nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học, trong khi bản thân ông thường xuyên được người đời ca tụng. Tạp chỉ Time đã dành trang nhất của mình cho một bài báo ca ngợi Tesla - lúc này đã 75 tuổi - trong số bào ngày 20 tháng 7 năm 1931, với lời dẫn: "Cả thế giới là nhà máy điện của Tesla". Bản thân Albert Einstein cũng gửi lời chúc mừng cho Tesla vào ngày sinh nhật lần thứ 75 của ông: "Ông là người tiên phong, mở ra con đường mới cho vương quốc điện tần số cao... Tôi gửi lời chúc mừng đến ông, vi những cống hiến vĩ đại của ông trong cuộc đời nghiên cứu khoa học."
Bức ảnh Tesla trên trang nhất của tạp chí TIME, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của ông
Về phía Tesla, ông chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của Vật lý Lượng tử cũng như thuyết tương đối: "Thuyết tương đối của Einstein giống như một bộ quần áo lòe loẹt mê hoặc người khác, khiến họ bỏ qua hết những lỗi cơ bản trong tư duy. Học thuyết này không khác gì một gã ăn mày khoác lên mình bộ đồ đắt tiền và tự nhận mình là vua trước mặt những kẻ dốt nát... Những người nghiên cứu học thuyết này đều là những người tài năng, nhưng họ giống như kẻ nghiên cứu học thuyết siêu hình hơn là những nhà khoa học," - Nikola Tesla thẳng thừng tuyên bố như vậy trên tạp chí New York Times, năm 1935. Ông cũng phản bác lại khái niệm "Nhị nguyên sóng/hạt", thậm chí còn nói với báo giới rằng ông sẽ khiến cho dòng diện chạy nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng.
Tesla dành những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình cho việc nghiên cứu một thứ vũ khí có thể đem tới hòa bình thế giới, mà theo như ông gọi nó có tên là "Tia chết". Chàng trai đã từng khiến xã hội New York phải kinh ngạc vào cuối thế kỷ 19, nay trở thành một ông lão lập dị với điều kiện tài chính eo hẹp, sống cuộc sống đơn độc. Thú tiêu khiển của ông lúc này là mang thức ăn tới với những chú bồ câu trên đường phố Big Apple.
Năm 1943, Nikola Tesla qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Cuốn tự truyện đầu tiên về Tesla được John J. O'Neill - một nhà báo thân cận với Tesla trong những năm tháng cuối đời - xuất bản năm 1944, với tiêu đề: "Thiên tài hào phóng: Cuộc đời của Nikola Tesla". Và cũng chính cuốn sách này xây dựng hình tượng Thomas Edison như một nhân vật phản diện, bắt đầu từ những bất đồng khi Tesla vẫn còn làm việc cho Edison. Tesla kể với O'Neill rằng, Edison đã từng hứa sẽ thưởng cho ông 50.000 USD nếu như ông có thể cải tiến những cỗ máy hoạt động kém hiệu quả. Và khi thành công, Edison không những không trả tiền, mà thậm chí còn nhạo báng ông.
Tuy nhiên. với những nhà sử học như Jill Jones - tác giả cuốn sách "Đế chế ánh sáng", chuyện Edison hứa một khoản tiền thưởng khổng lồ như vậy cho một nhân viên mới như Tesla là điều rất khó xảy ra. Nên nhớ, số tiền 50.000 USD tương đương với toàn bộ số vốn ban đầu của công ty, và bằng tới 53 năm thu nhập của Nikola Tesla. Nhưng dù sao đi nữa, chính bởi những bất đồng trong quan điểm cũng như phương pháp làm việc, mà Tesla đã nghỉ việc chỉ sau chưa đầy một năm, và tự mình lập ra công ty riêng vào năm 1885 để nghiên cứu về điện xoay chiều.
Và những "dị bản" trên sách vở
Tesla chưa bao giờ quên đi những bất đồng của mình với Edison. Trong cuốn tự truyện đầu tiên về Tesla, O'Neill có kể rằng Nikola Tesla vốn không có ý định đi nhận huân chương Edison, thay vào đó, ông đi cho những chú chim bồ câu ăn. Bernard A. Behrend tìm thấy Tesla trên phố tối hôm ấy, với "hai chú chim bồ câu làm vương miện trên đầu, cùng cả tá bồ câu trên cánh tay và vai. Trước mặt ông là hàng trăm chú chim bồ câu khác, trông giống như một tấm thảm sống trên mặt đất vậy."
Rồi sau đó, Tesla mới chịu quay lại buổi lễ trao huân chương, cùng với một bài diễn văn cảm ơn rất dài do chính ông "tự biên tự diễn". Nhưng phần diễn văn mà Tesla ca tụng Edison thì tuyệt nhiên không được nhắc đến trong cuốn tự truyện. Mãi sau này, chúng ta mới biết được rằng thực ra bài diễn văn của Nikola Tesla đã được lưu trữ, và công bố đầy đủ trong cuốn tạp chí "Electrical Review and Western Electrician".
Do đó, chính cuốn sách "Thiên tài hào phóng: Cuộc đời của Nikola Tesla" là khởi nguồn của những câu chuyện mà trong đó, Edison và Tesla là kẻ thù không đội trời chung. Các câu chuyện về Tesla được các tác giả khác viết sau này đa phần đều lấy cảm hứng từ cuốn sách của John J. O'Neill, với một gã Edison mưu mô, quỷ quyệt đứng trong bóng tối. Trên thực tế, điều này làm tăng sức hấp dẫn trong những câu chuyện về cuộc đời Tesla hơn rất, rất nhiều. Nhưng, sau rất cả những ghi chép lịch sử về những gì đã thực sự diễn ra, có lẽ chúng ta không cần đến một nhân vật phản diện để có thể làm nổi bật hơn những đóng góp vĩ đại của Nikola Tesla đối với nhân loại.
Tham khảo bbvaopenmind
0 nhận xét:
Post a Comment