15 June 2016

Các biến thể oanh tạc cũng như đổ bộ kỳ lạ nhất chưa từng biết tới

Tùy mục đích sử dụng, mỗi chiếc máy bay lại được thiết kế theo những kiểu dáng và cách thức khác nhau. Tuy không phổ dụng nhưng những mẫu phi cơ kỳ cục nhất thế giới đều có vai trò không thể thay thế.
Trực thăng X-18
Trực thăng X-18 được coi là tiền thân của quái vật V-22 Osprey bởi khả năng xoay 2 động cơ từ thẳng sang ngang và ngược lại. Được thiết kế bởi Stanley Hiller Jr và tập đoàn Hiller Aircraft, X-18 nhận được hợp đồng đài thọ của Không quân Mỹ và chính thức được thử nghiệm năm 1959, 4 năm sau khi bắt tay vào nghiên cứu sản xuất.
Những chiếc Hiller X-18 có chiều dài 19,2m, sải cánh 14,6m và cao 7,5m, Những chiếc máy bay này có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 12.150 kg trong khi trọng lượng cất cánh tối đa là 15.000 kg. Với 2 động cơ cánh quạt công suất 5.500 mã lực, máy bay này có thể đạt tới vận tốc 400 km/h và trần bay 10,7 km.
Tuy nhiên, khả năng kết hợp giữa các động cơ trong quá trình bay kém hoàn hảo, khiến việc cất và hạ cánh là tử huyệt của X-18. Sau 20 lần thử nghiệm chưa một lần thành công mỹ mãn, kế hoạch phát triển X-18 hoàn toàn phá sản vào tháng 7/1961. Không một chiếc X-18 nào được cất cánh kể từ đó nhưng thành tựu mà loại máy bay này đạt được chính là tiền đề để chế tạo quái vật V-22 Osprey mà Mỹ đang sử dụng.
Máy bay vận tải Airbus Beluga
Máy bay Airbus Beluga là phiên bản nâng cấp của loại máy bay vận tải A300-600 với thân rộng hơn, được sử dụng để chuyên chở những loại hàng hóa trọng tải lớn, kích cỡ quá khổ. Ban đầu nó được gọi với cái tên Super Transporter (kẻ vận chuyển khổng lồ), nhưng sau đó, cái tên Beluga trở nên thông dụng và phổ biến.
Phần lớn các phi vụ vận chuyển của máy bay Airbus Beluga đều phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay của hãng Airbus. Những thiết bị như cánh hoặc thân máy bay Airbus được Beluga vận chuyển từ những nhà máy sản xuất thuộc hãng Airbus tới nơi lắp ráp, hoàn thiện.
Những chiếc Beluga có chiều dài 56,15m, sải cánh 44,84m trong khi chiều cao đạt 17,24m. Airbus Beluga có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 86 tấn trong khi trọng lượng cất cánh tối đa đạt 155 tấn. Với 40 tấn hàng, những chiếc Beluga có thể hoạt động trong phạm vi 2.779 km trong khi khoảng cách tăng lên 4.632 km với 26 tấn hàng.
Máy bay ném bom Aviation XB-70 Valkyrie
Aviation XB-70 Valkyrie là phiên bản nguyên mẫu của máy bay ném bom hạng nặng B-70, có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, do Không quân Mỹ nghiên cứu chế tạo. Với 6 động cơ lớn được gắn ở 2 bên cánh cho phép chiếc phi cơ bay đến tốc độ Mach 3+ (nhanh hơn 3 lần vận tốc âm thanh) cùng với trần cao tối đa đạt 21 km, tránh được tầm với của tất cả các loại tên lửa phòng không thời điểm nó được chế tạo, những năm cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Aviation XB-70 Valkyrie bị khai tử không lâu sau khi đạt được những bước tiến dài về công nghệ, bởi sự thay thế quá hoàn hảo của tên lửa liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân chiến lược (ICBM). Tuy toàn bộ chương trình chế tạo phi cơ ném bom chiến lược B-70 bị hủy bỏ vào năm 1961 nhưng 2 nguyên mẫu của loại máy bay này vẫn được sản xuất và phục vụ trong các thử nghiệm siêu âm năm 1964 và 1969. Một trong 2 nguyên mẫu bị rơi trong lần va chạm trên không năm 1966, chiếc còn lại đang được trưng bày ở Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ tại Ohio.
Những chiếc Aviation XB-70 Valkyrie có chiều dài thân 57,6m, sải cánh đạt 32m trong khi vị trí cao nhất đạt 9,1m. Với 6 động cơ công suất cực mạnh, những chiếc máy bay này có tải trọng tối đa lên tới 242 tấn cùng với vận tốc bay tương đương 3.309 km/h. Với trần bay đạt 21 km, Aviation XB-70 Valkyrie không được trang bị vũ khí tự vệ bởi nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng bắn hạ của tên lửa.
Máy bay chở hàng Super Guppy
Là chiếc máy bay chở hàng hạng nặng do hãng hàng không Aero Spacelines nghiên cứu chế tạo, những chiếc Super Guppy có kích cỡ lớn và hình dáng vô cùng kỳ dị, giúp nó có khả năng chuyên chở những loại hàng hóa cồng kềnh và ngoại cỡ.
Được phát triển dựa trên thân loại máy bay C-97J Turbo Stratocruiser, biến thể quân sự của Boeing 377, những chiếc Super Guppy có chiều dài thân 43m cùng với nơi rộng nhất trong thân máy bay đạt 7,6m. Khoang chứa hàng của những chiếc Super Guppy dài 28,8m, đủ sức cho nó chuyên chở những loại hàng hóa quá khổ bằng đường hàng không.
Đáp ứng nhu cầu chở hàng, Super Guppy được trang bị 4 động cơ cánh quạt công suất 4.680 mã lực/chiếc. Cùng với đó, thiết kế cánh và đuôi được cải tiến giúp chiếc phi cơ có khả năng chuyên chở hàng hóa tốt nhất có thể. Tốc độ bay tối đa của Super Guppy đạt 467 km/h, tầm bay 3.219 km và trần bay tối đa đạt 9,7 km.
Đặc biệt, những chiếc Super Guppy được thiết kế phần đầu có thể tách rời, giúp nó tối ưu hóa việc vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa quá khổ vào trong khoang chứa. Tuy nhiên, sức chở tối đa đạt 25 tấn hàng hóa khiến những chiếc Super Guppy có phần lép vế hơn so với những siêu máy bay vận tải đang hoạt động khắp thế giới.
Máy bay siêu tải Myasishchev VM-T Atlant
Myasishchev VM-T Atlant là phiên bản cải tiến của máy bay ném bom Myasishchev's M-4 Molot, do Liên Xô cũ nghiên cứu chế tạo. Những chiếc VM-T Atlant được ra đời nhằm mục đích vận tải chiến lược, với khả năng mang lượng hàng hóa với trọng tải cực lớn cùng kích thước khổng lồ. Tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân là một trong những “hành khách” chủ chốt của VM-T Atlant.
Nhằm hạn chế tối đa những yếu điểm về diện tích khoang chứa, những chiếc VM-T Atlant vận chuyển hàng hóa theo cách cõng chúng trên lưng. Chính vì lẽ đó, kích thước hàng hóa có thể to ngang bằng, thậm chí là lớn gấp đôi đường kính thân máy bay nhưng việc chuyên chở vẫn được thực hiện mà không gặp phải những trở ngại cố hữu về kích thước.
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa quá khổ như trên, phần thân chiếc phi cơ được gia cố lại để chịu lực tốt hơn. Phần đuôi cũng được cải tiến để giữ tăng bằng cho chiếc VM-T Atlant. Hệ thống động cơ cũng được nâng cấp trong khi hệ thống điều khiển được thay mới hoàn toàn nhằm giúp những chiếc VM-T Atlant hoạt động tốt nhất có thể.
Ngoài việc chuyên chở tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đẩy tàu vũ trụ…, VM-T Atlant còn được lên kế hoạch cõng tàu con thoi mang thương hiệu Liên Xô trong những chuyến thử nghiệm. Tuy hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ so với thiết kế ban đầu nhưng chỉ 2 chiếc VM-T Atlant được sản xuất và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, toàn bộ dự án này được thay thế vào năm 1989, 9 năm sau khi chiếc VM-T Atlant đầu tiên cất cánh bởi phi cơ siêu tải cõng tàu con thoi Antonov's An-225 Mriya.
Những chiếc VM-T Atlant có có chiều dài 51,2m, sải cánh 53,6m trong khi chiều cao đạt 10,6m. Những chiếc VM-T Atlant có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 75.740kg, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 192.000kg. Sở hữu 4 động cơ phản lực khiến những chiêc VM-T Atlant có thể bay với vận tốc 500km/h, trần bay 9.000m. Phạm vi hoạt động của VM-T Atlant đạt 1.500km.
Máy bay đa nhiệm Sukhoi T-4
Sukhoi T-4 là máy bay ném bom chiến lược, trinh sát và đánh chặn tốc độ cao do Liên Xô nghiên cứu chế tạo. Thiết kế của Sukhoi T-4 khá giống với máy bay ném bom chiến lược siêu âm hạt nhân Aviation XB-70 Valkyrie của Mỹ nhưng nó đa nhiệm hơn đối thủ nhờ khả năng trinh sát và đánh chặn khi hoạt động ở tốc độ Mach 3.
Được thiết kế hoàn toàn băng titanium và thép không gỉ, Sukhoi T-4 nhẹ hơn so với những loại máy bay hiện thời. Ngoài ra, nó được trang bị hệ thống kiểm soát bay điện tử song song với hệ thống lái cơ khí để hoạt động trong mọi điều kiện. Phần mũi máy bay chúc xuống, cho phép phi công có tầm nhìn tối đa khi cất và hạ cánh cũng như quan sát mục tiêu tấn công.
Dù khá thành công so với các mục tiêu được đặt ra nhưng Sukhoi T-4 bị khai tử khi mới 4 mẫu máy bay  xuất xưởng. Nguyên nhân kết thúc dự án là do những nhiệm vụ mà Sukhoi T-4 có thể đảm trách được thay thế hoàn hảo hơn bằng những mẫu máy bay và vũ khí khác của Liên Xô trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Những chiếc Sukhoi T-4 có chiều dài 44m, sải cánh 22m trong khi chiều cao đạt 11,2m. Những chiếc máy bay này có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 55.600kg trong khi tải trọng tối đa lên tới 135.000kg. Mỗi chiếc Sukhoi T-4 sở hữu 4 động cơ phản lực cánh quạt đẩy công suất mạnh, cho phép nó đạt đến vận tốc tối đa 3.200km/h với trần bay 20.000 – 24.000m. Phạm vi hoạt động của Sukhoi T-4 lên tới 7.000km.
Máy bay phản lực Douglas X-3 Stiletto
Douglas X-3 Stiletto là mẫu máy bay phản lực thân dài, mũi nhọn được không quân Mỹ đưa vào thử nghiệm năm 1950. Những chiếc Douglas X-3 Stiletto ra đời nhằm mục đích thử nghiệm bay với tốc độ siêu âm, trong khi thân máy bay được thử nghiệp chế tạo bằng titan, tạo tiền đề cho các loại máy bay sau này.
Những chiếc Douglas X-3 Stiletto được thiết kế để bay với vận tốc 3.200 km/h tuy nhiên, chiếc phi cơ chưa bao giờ vượt qua được tốc độ Mach 1 (1238 km/h). Chiếc máy bay là một trong những thất bại bẽ bàng của quân đội Mỹ, tuy nhiên, hãng chế tạo phi cơ Lockheed đã sử dụng thiết kế của X-3 để áp dụng vào mẫu phi cơ F-104 Lockheed Starfighter, giúp nó đạt đến tốc độ Mach 2.
Những chiếc Douglas X-3 Stiletto có chiều dài 20,3m trong khi sải cánh chỉ đạt 6,9m và cao 3,8m. Những chiếc Douglas X-3 Stiletto được tối giản hết khả năng về trọng lượng nên chỉ chó thể cất cánh với tải trọng tối đa 10.800kg. Tuy nhỏ con nhưng Douglas X-3 Stiletto được trang bị 2 động cơ phản lực gvowis hi vọng đẩy nó nay với tốc độ cận Mach 3. Tuy nhiên, Douglas X-3 Stiletto chỉ đạt được vận tốc tối đa 1.125km/h với trần bay 11.600m. Chỉ duy nhất 1 mẫu Douglas X-3 Stiletto được chế tạo cho tới khi chương trình này bị quân đội Mỹ khai tử tháng 5/1956.
Chiến đấu cơ Blohm & Voss BV 141
Blohm & Voss BV 141 là loại chiến đấu cơ chinh sát do Đức quốc xã nghiên cứu, chế tạo trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Điểm khiến Blohm & Voss BV 141 trở nên khác biệt là cấu trúc không đối xứng với khoang lái nằm dưới cánh phải trong khi phần thân chính là động cơ cỡ lớn, tạo lực đẩy cho toàn bộ quá trình bay.
Những chiếc Blohm & Voss BV 141 được ra đời với mục đích giám sát chiến thuật, với phi hành đoàn 3 người, cho phép nắm giữ toàn bộ thông tin trong lòng địch. Tuy nhiên, chưa bao giờ loại máy bay Blohm & Voss BV 141 được sản xuất với quy mô lớn bởi vai trò của nó nhanh chóng bị một chiến đấu cơ khác của không quân Đức thay thế.
Do cánh phải dài hơn phần cánh trái nên thoạt nhìn, dễ dàng nhận thấy sự kì dị của những chiếc Blohm & Voss BV 141. Tuy nhiên, thiết kế được tính toán kĩ lưỡng cho phép chiếc phi cơ cất cánh trong trạng thái cân bằng nhờ trọng lượng khoang lái tỉ lệ thuận với chiều dài của một bên cánh. Tuy nhiên, khi bay ở độ cao thấp, những chiếc Blohm & Voss BV 141 gặp phải trở ngại về khí động học, khiến nó không thể hoàn thành nhiệm vụ trinh sát, trong khi dễ dàng bị hỏa lực đối phương bắn hạ.
Là sản phẩm công nghệ của Thế chiến thứ 2 nên tốc độ tối đa của những chiếc Blohm & Voss BV 141 chỉ đạt 340km/h. Động cơ cỡ lớn giúp những chiếc máy bay Blohm & Voss BV 141 có tầm hoạt động 1.140km với phi hành đoàn 3 người. Nó cũng được trang bị súng máy dưới khoang lái và bom dưới các cánh để có thể tấn công mục tiêu và tự vệ.
Chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighthawk
Lockheed F-117 Nighthawk là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào tham chiến. Chuyến bay đầu tiên của Lockheed F-117 Nighthawk được không quân Mỹ tiến hành năm 1981 và chính thức hoạt động trong không quân Mỹ năm 1983. Tuy nhiên, sự tồn tại của F-117 chỉ chính thức được công khai với thế giới vào tháng 11/1988.
Trên thực tế, nhiệm vụ tham chiến chính thức đầu tiên của F-117 được triển khai năm 1991, với một lượng lớn phiên bản chiến đấu cơ F-117A được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh. Đảm trách nhiệm vụ tấn công mặt đất trước sự bất lực của radar đối phương, Lockheed F-117 Nighthawk thực sự tạo ra cuộc cách mạng chế tạo máy bay tàng hình trên khắp thế giới.
Do được thiết kế để chống lại sự phát hiện của radar đối phương, Lockheed F-117 Nighthawk sở hữu hình dáng vô cùng đặc biệt cùng thiết kế góc cạnh. Ngoài lớp sơn phủ cùng vật liệu chống phản hồi sóng radar, thiết kế góc cạnh của những chiếc F-117 giúp nó khuếch tán và làm chệch hướng phần lớn sóng chiếu vào chiếc máy bay từ hệ thống phòng không đối phương.
Dù đạt được những đột phá về mặt công nghệ tàng hình nhưng toàn bộ máy bay F-117 các loại biên chế trong không quân Mỹ đều ngừng mọi hoạt động vào tháng 4/2008. Tính tới khi nghỉ hưu, có 59 chiếc F-117 các loại được sản xuất với 5 trong số đó là nguyên mẫu. Nhiệm vụ mà Lockheed F-117 Nighthawk đảm trách được thay thế bởi phi đội tàng hình hiện đại F-22 Raptor và sau đó là F-35 Lightning.
Máy bay tàng hình Lockheed F-117 Nighthawk có chiều dài thân 20,09 m, sải cánh 13,2 m và chiều cao 3,78 m. Những chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới có trọng tải cất cánh tối đa 23.800 kg và bay với vận tốc 993km với trần bay 13.716 m. Khoang chứa vũ khí nằm trong thân cho phép F-117 mang được bom có và không có điều khiển, bom hạt nhân.
Thủy phi cơ Lun
Thủy phi cơ lớp Lun (NATO gọi là Duck) là loại phi cơ lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Thủy phi cơ lớp Lun là thiết kế của Rostislav Evgenievich Alexeev, được Hải quân Liên Xô sử dụng từ năm 1987 tới những năm đầu thập niên 90. Sở hữu kích thước khổng lồ, hệ thống động cơ khỏe và thiết kế siêu quái dị, thủy phi cơ Lun ra đời nhằm mục đích đối trọng lại với phi đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.
Theo tiếng Nga, Lun có nghĩa là chim ưng, thể hiện sự hùng mạnh của những thủy phi cơ lớp này. Tuy nhiên, chỉ một chiếc máy bay duy nhất được chế tạo và biên chế trong Hạm đội Biển Đen của Nga năm 1987. Sở hữu 8 động cơ phản lực cánh quạt Kuznetsov NK-87 gắn trên cánh phụ gần mũi, những chiếc Lun có khả năng di chuyển nhanh trên mặt nước trước khi cất cánh lên không trung.
Ra đời nhằm đối chọi với phi đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ, thủy phi cơ Lun được trang bị hệ thống vũ khí khủng nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công trên mặt biển. Sáu bệ phóng tên lửa được gắn trên lưng và thân máy bay trong khi phần đuôi và mũi là nơi chứa hàng loạt hệ thống theo dõi tiên tiến nhất của Nga.
Thủy phi cơ Lun có chiều dài 73,8 m, sải cánh 44 m trong khi cao tới 19,2 m cùng 8 động cơ phản lực cánh quạt đẩy. Chiếc máy bay có khả năng cất cánh từ dưới nước với tổng trọng lượng lên tới 380.000 kg. Tuy thân hình nặng nề và quá khổ nhưng Thủy phi cơ Lun vẫn có khả năng bay với vận tốc 550 km/h và hoạt động trong khu vực rộng 2.000 km. Trần bay tối đa của Lun đạt 7.500 m trong khi chiếc máy bay có khả năng hoạt động tốt khi cách đất 5 m. Thủy phi cơ Lun cất và hạ cánh từ mặt biển nên không được trang bị hệ thống bánh hơi.
“Mũi tiêm” Leduc
Là thiết kế của kỹ sư người Pháp René Leduc, những chiếc phi cơ phản lực hình “mũi tiêm” mang tên người thiết kế chính thức được hoàn thành vào năm 1947. Chiếc phi cơ có thiết kế vô cùng đặc sắc, hình trụ và chia làm 2 lớp. Phi công sẽ ngồi trong phần khoang đầu tiên phía trên mũi máy bay giống với khoang điều khiển của các tàu vũ trụ.
Sở hữu duy nhất một động cơ, những chiếc máy bay Leduc không thể tự cất cánh mà thay vào đó, nó cần sự giúp đỡ của một chiếc máy bay vận tải khác để bay lên không trung. Tuy nhiên, những chiếc Leduc sở hữu khả năng bay thẳng đứng lên cao vô cùng ấn tượng, phá vỡ tất cả những kỷ lục được xác lập trước nó.
Ngoài kỷ lục bay dựng đứng, những chiếc Leduc còn có tốc độ bay khá lý tưởng so với những mẫu máy bay cùng thời. Trong các cuộc thử nghiệm, Leduc đã khiến thế giới thán phục khi bay với vận tốc Mach 0,85 (khoảng 900 km/h) cùng với vận tốc lên cao đạt 39,6 m/s. Tuy không thể tự cất cánh nhưng những chiếc Leduc có thể hạ cánh dễ dàng xuống sân bay. Giá treo dưới bụng cũng cho phép Leduc trang bị vũ khí tấn công.
Máy bay hỗ trợ liên lạc RC-12 Guardrail
RC-12 là chiếc máy bay đầu tiên được sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ chiến tranh điện tử và thông tin liện lạc của quân đội Mỹ. Sở hữu hệ thống thu phát cực mạnh cùng hệ thống ăng ten trang bị khắp thân, những chiếc RC-12 Guardrail thực sự là trạm phát sóng di động của quân đội Mỹ, nhằm duy trì thông tin liên lạc giữa trung tâm chỉ huy và chiến trường.
Những thiết bị chiến tranh điện tử mà RC-12 Guardrail sở hữu còn giúp nó gây nhiễu loạn hệ thống thông tin liên lạc của đối phương cũng như việc tạo mục tiêu giả, đánh lạc hướng vũ khí của kẻ địch.
Trên thực tế, máy bay RC-12 Guardrail là biến thể của loại phi cơ cánh quạt Beechcraft C-12 Huron. Với chiều dài 13,34 m, chiều cao 4,57 m và sải cánh 16,61 m, những chiếc Beechcraft C-12 Huron được trang bị 2 động cơ cánh quạt gắn 2 bên cánh. Trọng lượng cất cánh tối đa của những chiếc Beechcraft C-12 Huron đạt 5.670 kg trong khi biến thể RC-12 Guardrail có thể bay với tải trọng tối đa 6.800 kg.
Những biến thể sau này của RC-12 có thể mang tối đa lượng máy móc lên tới 7.250 kg nhờ hạn chế trọng lượng thân máy bay cùng loại bỏ những chi tiết không cần thiết. Vận tốc trung bình của RC-12 Guardrail đạt 500 km/h với trần bay 10.700m cùng phạm vi hoạt động tương đương 3.339 km.
Theo Infonet

0 nhận xét:

Post a Comment

 

BACK TO TOP

Xuống cuối trang