18 June 2016

Benito Mussolini – Nhà độc tài phát xít Ý 1922 đến 1943 thành lập Đảng Phát xít Ý 23/03/1919

Nguồn: Historic figures

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Mussolini là người thành lập nên chủ nghĩa Phát-xít và là lãnh đạo của nước Ý từ năm 1922 đến 1943. Ông đưa Ý vào liên minh với Đức và Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Benito Amilcare Andrea Mussolini sinh ngày 29 tháng 7 năm 1883 tại Predappio, phía bắc miền trung nước Ý. Cha của ông là một người thợ rèn. Cơ hội việc làm ở trong vùng quá ít ỏi nên năm 1902 Mussolini chuyển tới Thụy Sỹ và bắt đầu tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội chủ nghĩa. Năm 1904 ông quay trở lại Ý và làm phóng viên cho một tờ báo theo chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy ông đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội khi ủng hộ Ý tham gia Thế chiến thứ nhất. Ông gia nhập quân đội Ý vào tháng 9/1915.

Tháng 3/1919, Mussolini thành lập Đảng Phát-xít, thu hút sự ủng hộ của rất nhiều cựu chiến binh đang thất nghiệp. Ông tập hợp họ thành các đội vũ trang, được biết với tên ‘Sơ-mi Đen’, nhằm khủng bố các đối thủ chính trị. Năm 1921, Đảng Phát-xít được mời tham gia chính phủ liên minh.

Đến tháng 10/1922, Ý rơi vào tình trạng chính trị hỗn loạn. Đội quân Sơ-mi Đen tuần hành khắp Rome và Mussolini tỏ ra là người duy nhất có khả năng khôi phục trật tự. Nhà vua Victor Emmanuel mời Mussolini thành lập chính phủ mới. Ông dần xóa bỏ các thể chế của chính phủ dân chủ và đến năm 1925 tự phong mình thành nhà độc tài, xưng hiệu ‘Il Duce’ (nghĩa là Vị lãnh đạo – ND). Ông chủ ý tái thiết nước Ý thành một cường quốc Châu Âu. Chế độ này được củng cố bởi sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước và sự sùng bái Mussolini.

Năm 1935, Mussolini xâm lược Abyssinia (nay là Ethiopia) và sáp nhập vào Đế quốc Ý. Ông hỗ trợ tướng Franco về quân sự trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Sự hợp tác ngày càng mạnh mẽ giữa Ý và Đức Quốc xã dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Thép (hay Hiệp ước Hữu nghị và Liên minh) năm 1939. Chịu ảnh hưởng từ Hitler, Mussolini bắt đầu áp dụng luật bài Do Thái tại Ý. Ông tuyên chiến với Anh và Pháp vào tháng 6/1940. Quân Ý bộc lộ rõ điểm yếu và chịu hàng loạt thất bại tại Bắc Phi, Tây Phi và vùng Balkan.

Tháng 7/1943, quân Đồng minh chiếm đảo Sicily. Mussolini bị lật đổ và bắt giam bởi chính những người đồng chí cũ trong chính phủ Phát-xít. Đến tháng 9, Ý ký một thỏa thuận ngừng bắn với quân Đồng minh. Khi quân Đức đánh chiếm Ý, lính biệt kích Đức đã giải cứu Mussolini. Ông được đưa lên làm lãnh đạo của một chính phủ mới nhưng có rất ít thực quyền. Do quân Đồng minh tiến lên phía bắc xuyên qua miền bắc Ý, Mussolini trốn sang Thụy Sỹ. Ông bị quân du kích Ý bắt được và bị xử bắn ngày 28 tháng 4 năm 1945.     

Nguồn: “Mussolini founds the Fascist party,” History.com (truy cập ngày 21/03/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Benito Mussolini, cựu binh Thế chiến I và nhà xuất bản của nhiều tờ báo Xã hội, đã rời bỏ Đảng Xã hội Ý và thành lập Fasci di Combattimento, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa đặt theo tên của các cuộc cách mạng nông dân Ý trong thế kỷ 19. Thường được gọi là Đảng Phát xít, tổ chức cánh hữu mới của Mussolini ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ý, có đồng phục là áo sơ mi đen, và phát động một chương trình khủng bố và đe dọa chống lại những đối thủ cánh tả của nó.

Tháng 10 năm 1922, Mussolini đưa quân Đức hành quân qua Roma, và Vua Emmanuel III, người chẳng mấy tin vào chính phủ nghị viện Ý, đã đề nghị Mussolini thành lập một chính phủ mới. Ban đầu, Mussolini, người được bổ nhiệm làm Thủ tướng đứng đầu một nội các có ba phần tư thành viên thuộc Đảng Phát xít, đã hợp tác với Quốc hội, nhưng sau đó với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát tàn bạo của mình, Mussolini nhanh chóng trở thành nhà độc tài của nước Ý. Năm 1924, cuộc nổi dậy của phe Xã hội bị dập tắt, và tháng 1 năm 1925, một nhà nước Phát xít chính thức được tuyên bố, với Mussolini là Il Duce, hay “Nhà lãnh đạo.”
Mussolini đã kêu gọi các đồng minh phương Tây trước đây của Ý ký kết các hiệp ước mới, nhưng cuộc xâm lược tàn bạo vào lãnh thổ Ethiopia năm 1935 của ông ta đã kết thúc mọi hi vọng liên minh với các nước dân chủ phương Tây. Năm 1936, Mussolini tham gia cùng Adolf Hitler, Quốc trưởng Đức Quốc xã, hỗ trợ lực lượng dân tộc chủ nghĩa của Francisco Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha, đem đến một hiệp ước hợp tác trong chính sách ngoại giao giữa Ý và Đức Quốc xã năm 1937. Dù cuộc cách mạng phát xít của Hitler được mô hình hóa theo sự trỗi dậy của Mussolini và Đảng Phát xít Ý, Phát xít Ý và Il Duce đã tỏ ra là thế lực yếu nhất trong phe Trục trong Thế chiến II.

Tháng 7 năm 1943, do những nỗ lực chiến tranh thất bại và trước cuộc đổ bộ của phe Đồng minh vào lãnh thổ Ý, một cuộc nổi dậy đã nổ ra trong nội bộ Đảng Phát xít. Hai ngày sau thất bại ở Palermo, ngày 24 tháng 7, Đại Hội đồng Phát xít (cơ quan chính trong chính phủ Mussolini) đã bác bỏ chính sách của Mussolini do Hitler soạn thảo, và đến ngày 25 tháng 7, Il Duce bị bắt giữ. Thống chế Pietro Badoglio lên đứng đầu chính phủ Ý, và đến tháng 9, Ý đầu hàng vô điều kiện trước phe Đồng minh. Tám ngày sau đó, lính biệt kích Đức giúp Mussolini trốn khỏi nhà tù ở dãy núi Abruzzi, và sau đó Mussolini trở thành lãnh đạo bù nhìn của miền Bắc nước Ý do quân Đức kiểm soát. Với sự sụp đổ của phát xít Đức tháng 4 năm 1945, Mussolini bị quân đội Ý bắt giữ, và đến ngày 29 tháng 4, ông cùng người tình là Clara Petacci bị xử bắn, sau một phiên tòa quân sự  chóng vánh. Thi thể của họ sau đó được đem đến Milan và bị treo ngược giữa quảng trường để thị chúng.

0 nhận xét:

Post a Comment

 

BACK TO TOP

Xuống cuối trang